Thuở xưa, A-dục là một ông vua độc ác, nhờ gặp Phật pháp, ông cải tà quy chánh trở thành đệ tử nhà Phật. Ông thường xuyên cung thỉnh chư Tăng vào cung thuyết giảng Phật pháp cho cung phi mỹ nữ nghe, nhưng cấm họ nhìn thấy vị pháp sư. Vì vậy, mỗi lần thuyết giảng, vị Pháp sư phải ngồi sau một tấm màn che. Hôm ấy, vị Pháp sư đang giảng đề tài “Lợi ích cúng dường” bổng một cung nữ đứng dậy tiến đến vén tấm màn che và quỳ trước pháp sư thưa rằng: “Kính bạch pháp sư, con nghe nói đức Phật thành đạo dưới cội bồ-đề nhờ thiền định mà giác ngộ giải thoát, không phải do tu bố thí trì giới?”
Vị pháp sư giải đáp: “Đời người có bốn cái khổ gọi là Tứ đế: sanh, bệnh, lão, tử. Khổ vì xa lìa người thương, khổ vì gặp người không ưa, khổ vì mong cầu không được, Khổ vì điều không muốn mà đến. Chúng sanh do tham, sân, si và chấp ngã, thấy mình là trên hết nên sanh ra thù hận, tàn sát lẫn nhau”.
Sau khi nghe vị Pháp sư giảng giải, người cung nữ này ngộ đạo và chứng quả Tu-đà-hoàn. Cô biết mình vén màn nhìn vị Pháp sư để hỏi đạo là phạm lệnh cấm của vua, nên khi hết thời giảng, mọi người ra về, cô vẫn quỳ tại chỗ chờ vua ban lệnh xử tội. Phạm lệnh cấm của vua, theo luật triều đình lúc bấy giờ là phải bị tội chết.
Vua A-dục từ khi cải tà quy chánh trở thành Phật tử, ông không ban xử tội chết nữa. Vì vậy, cô cung nữ ấy không bị xử tội, lại được vua ban lời khen và khuyến khích mọi người nên bắt chước cô tìm hiểu, học Phật pháp cố gắng áp dụng trong đời sống hằng ngày cho có kết quả.
Qua đó, chúng ta thấy Phật pháp có khả năng nâng đỡ những ai vấp ngã, xóa tan bóng tối mê lầm tội lỗi, đem ánh sáng giác ngộ đến cho muôn loài. Nếu người cung nữ đó không dám quên mình vì pháp, làm sao nhận ra được đạo lý chân thật? Làm sao giác ngộ và chứng được Tu-đà-hoàn, một quả vị có giá trị cao đối với đời sống con người.
Cũng như bản thân tôi, nhờ gặp được Phật pháp mới có đủ duyên tu hành. Bây giờ tôi mới có cơ hội chia sẻ cùng quý vị những lời Phật dạy. Nếu chúng ta không dám chấp nhận những lỗi lầm, sai trái của mình trước đây, để quay về, để làm mới cuộc đời thì chắc chắn suốt đời ta phải sống trong đau khổ lầm mê. Vì vậy, trong các hạnh bố thí, chỉ có bố thí pháp mới giúp cho người vượt qua biển khổ, sông mê, khiến người bỏ ác làm thiện, hướng đến chân, thiện, mỹ, tin sâu nhân quả, nghiệp báo không dám làm điều xấu ác.
Pháp thí dứt phiền não
Pháp thí phá ngu si
Pháp thí mở trí tuệ
Pháp thí thoát sanh tử.
Thực hành Pháp thí giúp người sanh trí tuệ, thấy biết đúng như thật. Nhờ có trí tuệ, ta bớt lầm mê, chấp thân này là thật, nên vì thân này mà tạo ra biết bao tội lỗi để bù đắp cho thân như tranh giành quyền lợi, chèn ép, bóc lột công sức lẫn nhau, giết hại các loài để ăn uống tẩm bổ cho thân, mong cầu tồn tại lâu dài, nhưng rồi có bao giờ được thỏa mãn, toại nguyên đâu. Nhờ Pháp thí, ta mới hiểu được thân này là không thật có, nó có là do bốn đại hợp thành, tức là do nhân duyên hòa hợp của đất, nước, gió, lửa tạo thành, đến khi hết duyên thì thân này bại hoại tan rã.
CÚNG DƯỜNG ĐƯỢC PHƯỚC
Trong Kinh Tứ Thập Nhị Chương đức Phật dạy: Bố thí cho người ác hưởng không bằng cúng dường cho người giữ năm giới. Cúng dường cho người giữ năm giới không bằng cúng dường cho người tu thập thiện (mười điều tốt.) Cúng dường cho người tu thập thiện không bằng cúng dường cho Phật. Ý nghĩa câu này là chỉ cho sự lợi ích cúng dường đúng cách.
Thời đức Phật, có hai vợ chồng là Phật tử rất tín tâm Tam Bảo, nhưng hoàn cảnh gia đình lại nghèo khó, bữa đói, bữa no. Một hôm, người chồng đến chùa thấy nhiều người đem vật thực đến cúng dường Tam Bảo, anh phát tâm hoan hỷ vô cùng.
Về nhà, anh thấy nhà mình quá nghèo, không có cái gì có thể mang đến chùa để cúng dường, anh ta tủi thân, buồn rầu, đau khổ, đến nỗi anh ta không muốn ăn, chẵng muốn làm. Người vợ biết được, bèn đưa ra ý kiến: hay là anh đem em bán đi lấy tiền cúng dường, khi nào có tiền thì anh chuộc em về. Người chồng suy nghĩ, thấy làm như vậy thì quá nhẫn tâm, nên cả hai vợ chồng bàn nhau đi vay tiền cúng dường, nếu không trả nỗi thì đến ở đợ làm việc cho họ để trừ nợ.
Sau khi suy tính, chọn lựa, hai vợ chồng đến một nhà phú hộ trong làng trình bày sự việc, được nhà phú hộ đồng ý cho vay một số tiền với điều kiện trong bảy ngày phải mang tiền đến trả. Nếu không thì cả hai vợ chồng phải đến đây làm việc ở đợ suốt đời.
Nhận được tiền, hai vợ chồng vui mừng mang đến cúng dường cho lễ Trai Tăng với tâm thành kính và hoan hỷ. Mấy ngày sau, hai vợ chồng đều cảm thấy thật hạnh phúc được góp phần vào công đức này, sẵn sàng tinh thần đến nhà Phú hộ ở đợ vào ngày mai thì hôm ấy nhà vua hay tin nhà chùa thiết lễ cúng dường Trai Tăng, Ngài thân hành đến chùa xin được cúng dường cho lễ này. Sau khi được biết đã có hai vợ chồng nhà nghèo cúng dường, nhà vua yêu cầu hai vợ chồng phải nhường phần cúng dường lễ này cho Ngài. Hai vợ chồng nhà nghèo nghe lệnh vua như vậy, bèn đến trình bày: Chúng con nhà quá nghèo, may mà có nhà phú hộ trong làng cho vay tiền cúng dường, xin nhà vua để cho chúng con lo trọn, chứ lần này con không được cúng dường Tam Bảo thì e rằng suốt đời, con không có cơ hội nào nữa. Chúng con phải đi ở đợ làm việc suốt đời cho nhà phú hộ để trả món nợ này. Xin đức vua nhân từ ban ân, để chúng con được làm trọn công đức với Tam Bảo.
Tuy bị từ chối, nhưng nhà vua rất cảm phục tấm lòng cao thượng của hai vợ chồng. Về triều, nhà vua đem chuyện này thuật lại cho các quan quân, quần thần nghe, ai cũng đem lòng cảm phục. Và Ngài truyền lệnh cấp phát tiền bạc, nhà cửa, ruộng vườn cho hai vợ chồng làm ăn sinh sống để có cơ hội làm việc phước thiện. Từ đó hai vợ chồng trở nên giàu có, tin sâu Tam Bảo hơn, thường xuyên phát tâm bố thí, cúng dường và nguyện đời đời kiếp kiếp đi theo con đường lợi ích cho tha nhân.
Thật là “nhân quả nhãn tiền,” người thực hành bố thí cúng dường với tâm thành kính, hoan hỷ, dám hy sinh như hai vợ chồng trong câu chuyện thật là hiếm thấy trong thời chúng ta.
Một vị minh quân, một ông vua sáng suốt, biết phát huy những việc làm phước đức như ông vua kể trên thật là hạnh phúc cho dân, cho nuớc. Lịch sử nhân loại đã có rất nhiều vị lãnh đạo quốc gia làm được những việc như thế. Ở Việt Nam có Trần Nhân Tông, một vị vua lãnh đạo đất nước bằng tinh thần Bi, Trí, Dũng của đạo Phật, hướng dẫn dân chúng tu hành theo tinh thần Phật dạy, xây dựng nên một nước Việt nam hùng cường về mọi mặt, bên ngoài chiến thắng ngoại xâm, bên trong dân chúng sống thanh bình, no ấm, an vui như đang sống trong cõi Cực Lạc hiện tiền.
Đạo lý nhà Phật dạy con người sống có ích cho đời và đạo, không vì lợi ích riêng tư mà làm khổ mình, khổ người. Người Phật tử khi thực hành bố thí cho người, dù họ là người ăn xin hay kẻ tật nguyền cũng đều cung kính tôn trọng, không cho mình là người cao quý, mà có thái độ xem thường hay khinh rẻ. Tuy hành động bố thí vẫn có phước báu, nhưng lại tăng trưởng tâm cống cao, ngã mạn làm cho người nhận không vui ắt phải chịu quả báo không tốt về sau.
Tóm lại, thực hành bố thí cúng dường với lòng hoan hỷ, chân thành, kính trọng người nhận, đồng thời khởi tâm nguyện cầu Tam Bảo luôn thường trụ thế gian để ta có cơ hội học hỏi đạo lý, phẩm chất làm người, đến khi xác thân này tan rã không còn nhân duyên bám víu thì nghiệp thức này sẽ dẫn dắt ta tái sinh vào cảnh giới an lành, không bị trôi lăn trong ba đường ác địa ngục, ngạ quỷ và súc sanh.
Khi phát tâm bố thí
Tùy nhân quả chiêu cảm
Như vì thương mà thí
Quả chắc được an vui.
A di đà Phật
Phật tử -viên Ngộ
Nguyện đem công đức này -hồi hướng khắp pháp giới chúng sanh , đồng thành Phật đạo .
Nam Mô A Di Đà Phật
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét