Mỗi khi
chúng ta gặp chướng duyên bị xung đột với ai, tự quán chiếu lại chính bản thân
mình, lúc cơn giận nổi lên, chúng ta là phàm phu, không thể nào đủ trí tuệ để
thắng cái cơn giận, khi sự việc qua rồi, mỗi đêm nằm ngủ hãy bỏ ra 10 phút quán
chiếu lại, suốt quá trình trong một ngày, mình đã làm gì?
1. Định
nghĩa nhẫn nhục:
Chữ “nhẫn”
trong chữ Hán được viết như sau: 刃 (nhận) +心 (tâm) = 忍
Chữ 刃 (nhận)
nghĩa là sự nguy hiểm, mũi nhọn, chém giết
Chữ 心 nghĩa
“tim”, chữ tâm được dùng rất phổ biến như tâm cảnh 心境, tâm địa 心地 nghiên cứu về
hiện tượng ý thức gọi là tâm lý học 心理學, Phật học thì
thượng gọi vạn pháp duy nhất tâm, gọi tắc duy tâm 唯心
“
Tâm được chia làm hai phần, (1) vọng tâm 妄心 cái tâm nghĩ
ngợi lan man sằng bậy, (2) chân tâm真心 cái tâm nguyên
lai vẫn sáng láng linh thông, đầy đủ mầu nhiệm không cần phải nghĩ mới biết,
cũng như tấm gương trong suốt, vật gì qua nó là soi tỏ ngay, khác hẳn với cái
tâm phải suy nghĩ mới biết, phải học hỏi mới hay. Nếu người ta biết rõ cái chân
tâm (minh tâm 明心) mình như thế mà xếp bỏ sạch hết cái tâm nghĩ ngợi lan
man sằng bậy đi thì tức thì thành đạo ngay”. [1]
Theo Hán-Việt
tự điển thì chữ “nhẫn” 忍 có nghĩa là nhịn, như làm việc khó khăn cũng cố làm cho
được gọi là kiên nhẫn 堅忍, nhẫn là lòng khoan
dung độ lượng.
Tại sao chữ
nhận 刃 (nhận) nằm trong chữ tâm 心 gọi là nhẫn, nghĩa là người tạo chữ muốn nói
trong cuộc sống hằng ngày tâm mình thường hay tiếp xúc nhiều thứ nguy hại như
những phiền não tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến…chúng thường làm não hại tâm
mình. Cho nên nhẫn nhục là tâm phải chịu đựng những sự não hại bên ngoài mà tâm
không sân hận (刃 (nhận) +心 (tâm) = 忍 nhẫn.)
“Nhẫn nhục
tiếng Phạn gọi “Kṣānti” là một phương pháp tu
của Bồ-tát trong lục độ ba-la-mật, từ “nhẫn” có nghĩa nhẫn nhịn, kiêng cữ, kiên
nhẫn, sự ôn hòa”. [2]
“Chân thực và nhu hòa
Kham nhẫn và dịu hiền
Hòa thuận và đón tiếp
Bất hại và thanh tịnh” [3]
Theo D.T.
Suzuki giải thích ý nghĩa “nhẫn nhục” như sau: “không cảm giác thất vọng khi đối
diện với những điều xấu”, nhẫn nhục luôn đối trị sự tức giận (krodha), lòng căm thù (dveṣa) sự đáng ghét, không ưa (pratigha) và tính hiểm độc, ác tâm, ác ý (malice). Vì vậy, “nhẫn nhục” được định nghĩa là một
sự giải thoát từ cái tâm giận dữ, và sự kích động (gây hấn, phấn khích) thối
quen thường chịu đựng, tha thứ sự tổn thương (gây hại) và xúc
phạm”.[4]
“Nhẫn nhục Ba-la-mật là chịu đựng những phiền não mà
người khác gây ra cho mình và gánh chịu những lỗi lầm của kẻ khác, Bồ-tát tu
pháp nhẫn nhục thậm chí chặt đứt một cánh tay hoặc một cái chân vẫn không uất ức
khó chịu” [5]
Hành giả tu nhẫn nhục phải thực hành trên ba phương diện
nhẫn thân, nhẫn khẩu, và nhẫn ý
Nhẫn thân, nhẫn khẩu, với nhiều người
Ý nhẫn không sân, mọi việc vui
Đức hạnh chân tu, cầu giải thoát
Mọi người học Phật, nhẫn soi đời (Trí
Giải)
Trong Phật
giáo nhẫn nhục không phải là sự bi lụy, yếu đuối, hèn hạ, nhẫn là một thái độ
tích cực rất sáng suốt do trí tuệ dắt dẫn, khi vấp phải những thất bại không
chán nản tuyệt vọng, đạt được thành công không kiêu căng tự đắc, đó là ý nghĩa
của nhẫn
“Ở đời sống đạo hãy tùy
duyên
Tâm trí an vui chẳng lụy
phiền
Ngoại cảnh sáu trần không
dính mắc
Nội tâm bát thức hãy điềm
nhiên
Niệm tưởng khởi lên liền
buôn xả
Chân tâm vắng lặng thấy
bình yên
Ấy là chân thật cho cuộc
sống
Không bị lụy phiền cảnh
đảo điên
(Trích “Bước Chân Xuất Thế”)
"Trong hạnh phúc, trong phiền lụy, lúc thăng, lúc trầm,
ta phải giữ tâm như đất, cũng như trên đất ta có thể vất bất luận thứ gì, dầu
chua, dầu ngọt, dầu sạch, dầu dơ, đất vẫn thản nhiên, một mực trơ trơ đất không
giận, cũng không thương."
2. Phân loại
nhẫn nhục:
Nhẫn nhục: là một đức tính quan trọng của người
Phật tử, tỏ rõ sức mạnh nội tâm, cũng là một trong 6 Ba-la-mật của Bồ-tát hạnh.
Nhẫn có 3 loại: [6]
Sinh nhẫn
(chúng sinh nhẫn) như muỗi, kiến cắn không giận, không giết hại, không sân hận
với người sân hận, không chửi mắng người chửi mắng mình, còn gọi là hữu tình
nhẫn
“Nhẫn, vô trước: giáp
sắt,
An ổn, đi đúng pháp.
Tiến thẳng không thối lui,
Không có gì lo sợ;
Người trí ruổi chiến xa,
Dẹp kẻ thù vô trí” [7]
Đức Phật dạy: "Người tu hành theo Đạo như một người
chiến đấu với vạn người. Mặc áo giáp ra cửa, tâm ý hoặc khiếp nhược, hoặc đi nửa
đường thối lui, hoặc chiến đấu đến chết, hoặc đắc thắng mà về. Người Sa môn học
Đạo (cũng vậy) phải có ý chí kiên cường, dũng mãnh tiến lên, không sợ cảnh tượng
trước mắt (làm chướng ngại) phá tan các loài ma để đắc Đạo thành đạo quả"
[8]
Pháp nhẫn:
nhẫn chịu sự áp bức của thiên nhiên như nóng, lạnh, mưa nắng... còn gọi là phi
tình nhẫn.
Sinh nhẫn và
pháp nhẫn thuộc về đức tính kham nhẫn, trong Thiền luận của Suzuki nói rằng:
“Kham nhẫn không nghĩa là chịu khuất phục trước
mọi khổ đau, những khổ đau ấy tác động ở bên ngoài mang đến cho mình, nhưng nó
có nghĩa là để thực hành đức tính tinh tấn (siêng năng) trong đời sống của Tánh
không mà tất cả Kinh điển Đại thừa xem như là cuộc sống của Bồ-tát”
(Bodhisattvacarya) [9]
Vô sinh pháp
nhẫn: nhẫn đạt đến cao độ trở thành đức tính tự nhiên, ra vào nghịch cảnh và
thuận cảnh một cách tự tại.
Theo như Kinh-thập-địa, “đời sống vô công dụng hạnh của
Bồ tát phải trải qua giai đoạn thứ bảy và tám (bát địa; bất động địa)
trong đời sống tâm linh mới chứng được “Vô sanh pháp nhẫn”Anutpattikadhamma
Ksanti” [10]
3. Sự nguy hại không kham nhẫn:
Bồ tát tu tập hạnh nhẫn nhục là để đoạn trừ tâm sân hận
một trong ba căn bản phiền não luôn nhấn chìm chúng sinh trong vòng sinh tử,
trong chín mươi tám kiết sử, thì tâm sân hận là loại kiết sử nguy hiểm nhất,
trong các tâm bệnh, nó là thứ bệnh khó trị nhất. Kẻ sân nhuế thì không bao giờ
biết thiện, ác, cũng chẳng nghĩ đến tội phước, chẳng biết tàm quý chỉ theo tâm
sân hẫy hừng của mình.
Trong tác phẩm Bodhicaryāvatāra của ngài Śātideva nói rằng không
có ác nào sánh kịp bằng sân si, và cũng không có gì cao quý bằng đức tính kham
nhẫn:
“Thiện hành tích lũy ngàn
năm,
Một giây nóng giận tiêu
tan tức thì.
Ác nào sánh kịp sân
si
Hạnh tu nhẫn nhục không gì
quý hơn” [11]
Và trong Tăng-chi-bộ-kinh đức Phật dạy: có năm điều nguy
hại cho những người không kham nhẫn:
- Quần chúng không ái mộ, không ưa
thích.
- Có nhiều người hận thù.
- Nhiều người tránh né không muốn
gặp.
- Lúc sắp chết tâm bị mê loạn
- Sau khi chết rơi vào Địa ngục.
[12]
Thông thường, sự xung đột thường xảy ra trong mối quan
hệ vợ chồng và bạn bè, nguyên nhân là do đâu? Do chúng ta mọi người không biết
tu nhẫn nhục, ai cũng cố chấp để bảo vệ cái bản ngã tự cao tự đại của mình, ai
cũng cho rằng mình luôn đúng và không chịu lắng nghe, nếu hai vợ chồng luôn bảo
vệ cái đúng riêng cho bản thân mình thì chắc chắn sẽ tạo ra sự xung đột trong
gia đình và mất đi sự hạnh phúc.
4. Sức mạnh
của kham nhẫn
Trong Tăng-chi-bộ-kinh đức phật dạy về sức mạnh của lòng
kham nhẫn: “ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người không nhiếc mắng lại kẻ
đã nhiếc mắng, không sân hận lại kẻ đã sân hận, không gây lộn lại với kẻ đã gây
lộn. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là đạo hành kham nhẫn” [13]
Dù cho gian khổ dặm đường
Sa môn kham nhẫn không vướng bụi
trần
Dong ruổi góp nhặt cơn sân
Mang về vun bón chân tâm Bồ đề
Khi nào hoa quả sum sê
Hái tặng hạt giống người về ươm tâm
Trồng trên mảnh đất hồng trần
Nhổ cỏ phiền não, quả tầm Thánh nhân (Trí
Giải)
Có vị Sa môn hỏi Ðức Phật rằng:
"Ðiều gì là mạnh nhất? Ðiều gì là sáng nhất?" Ðức Phật
dạy: "nhẫn nhục là mạnh nhất vì không chứa ác tâm nên tăng sự an ổn. Nhẫn nhục
là không ác, tất được mọi người tôn kính, tâm ô nhiễm đã được đoạn tận, không
còn dấu vết gọi là sáng nhất, nghĩa là tất cả sự vật trong 10 phương, từ vô thỉ
thuở chưa có trời đất cho đến ngày nay không vật gì là không thấy, không vật gì
là không biết, không vật gì là không nghe, đạt được Nhất thiết trí, như vậy được
gọi là sáng nhất". [14]
Và đức Phật đưa ra tám sức mạnh như
sau:
- Sức mạnh của
trẻ thơ là tiếng khóc
- Sức mạnh của
đàn bà là phẫn nộ
- Sức mạnh của
người ăn trộm là vũ khí
- Sức mạnh của
vua chúa là quyền uy
- Sức mạnh của
kẻ ngu si là áp đảo
- Sức mạnh của
bậc hiền trí là cảm hóa
- Sức mạnh của
người đa văn là thẩm sát*
- Sức mạnh của
Sa môn là nhẫn nhục [15]
5. Phương pháp
thực hành nhẫn nhục ba-la-mật:
+ Dùng trí tuệ
quán chiếu
Bồ-tát thường
dùng trí tuệ vô lậu quán chiếu các pháp vận hành theo nguyên lý Tam pháp ấn (vô
thường, khổ, vô ngã) vị ấy thấy vạn vật cùng vận hành theo luật duyên sinh,
tương quan theo thuyết nhân quả, cho nên Bồ-tát vẫn thản nhiên để thành tựu Bồ
đề nguyện:
Vô thường lá rụng, ở ngoài sân
Nhặt lá vàng rơi, sạch cõi trần
Phiền não trong tâm, nhặt dứt bỏ
Tâm hồn thanh tịnh, khỏi trầm luân (Trí
Giải)
Khi có người làm tổn thương đến Bồ-tát, vị Bồ-tát nghĩ
rằng:
“Người hại ta hôm nay, đã có gieo ân oán trong kiếp
trước nào đó, vô tình hay cố ý ta đã tạo nhân oan trái với người này, đây cũng
là quả để trả nhân quá khứ gieo trồng không tốt, đây cũng chính là kết quả của
hành động bất thiện trong quá khứ, tại sao ta không trả nợ lại oán hờn người
ta”? [16]
“Muốn tu nhẫn nhục cho
thành,
Kẻ thù hợp tác với mình
mới xong
Vậy bao phước đức thành
công,
Hãy nên phụng hiến kẻ từng
hại ta”
“Nhờ một kẻ sân si tột
độ,
Nhẫn nhục thành kiên cố
nơi ta
Kẻ thù nhân tốt cho
ta,
Nên cung dưỡng họ như là
Pháp thân [17]
Vì thế “Bồ-tát
nhẫn nhục ba-la-mật là thực hành tinh tấn cả ngày đêm để thích nghi tất cả những
nhu cầu ứng xử không khởi tâm phân biệt” [18]
Mỗi khi chúng
ta gặp chướng duyên bị xung đột với ai, tự quán chiếu lại chính bản thân mình,
lúc cơn giận nổi lên, chúng ta là phàm phu, không thể nào đủ trí tuệ để thắng
cái cơn giận, khi sự việc qua rồi, mỗi đêm nằm ngủ hãy bỏ ra 10 phút quán chiếu
lại, suốt quá trình trong một ngày, mình đã làm gì? Việc nào mình đã làm đúng?
Việc nào mình đã làm sai. Sau khi quán chiếu từng việc như thế, việc nào mình
làm đúng thì phát triển trong tương lai, việc nào không đúng phải kiểm điểm lại
mình đã làm sai từ chỗ nào. Nếu mình lỡ làm người bạn nào đó buồn tự mình phải
đi xin lỗi thì mọi việc sẽ bình yên, mỗi ngày sẽ trở nên hoàn
thiện
Vì kẻ thù luôn giận dữ
Đã tạo ra đau khổ như thế này
Ai thắng sân hận mới hay
Sẽ tìm thấy được những ngày hạnh phúc
[19]
Người Phật tử thuần thành tu pháp nhẫn nhục và khoan
hồng, nếu thấy bất kỳ điều xấu của kẻ khác, hãy cố gắng tìm cái tốt đẹp trong
mỗi người và sự việc để sống, vì vậy trong Kinh Trường-A-Hàm đức Phật dạy
rằng:
Mọi người có tranh tụng,
Ai không tranh là thắng
Con người có hai duyên,
Vì mình cũng vì người;
Thấy người không tranh tụng,
Lại cho là ngu đần.
Nếu người có sức lớn,
Nhịn được người không sức;
Sức này là đệ nhất,
Là tối thượng trong nhẫn
Ngu tự cho mình mạnh,
Sức này chẳng là sức;
Người mạnh nhẫn như pháp,
Sức này không ngăn được [20]
+Dùng từ bi tu nhẫn nhục:
Ngoài phương pháp tu lục độ ra, Bồ-tát còn sử dụng nhiều
pháp môn tu khác như Tú-vô-lượng-tâm, Tứ-nhiếp-pháp, Ngũ minh…Bồ-tát tu tập
Tứ-vô-lượng-tâm:
- Tâm từ (metta) là lòng chân thật ước mong
chúng sinh sống hạnh phúc trong niềm vui chân tịnh và thành tự Bồ đề.
- Bi (karuṇā) là lòng rung động trước khổ đau
của người khác, tình thương vô hạn đối với chúng sinh, lòng quyết tâm cứu mọi
sinh linh thoát khỏi biển sinh tử luân hồi
- Hỷ (muditā) là lòng hoan hỷ trước mọi thành
công và niệm vui chung với người khác.
- Xả (upeksā) là sự nhận thức đúng đắn, sự suy
luận khách quan, Bồ-tát không có luyến ái, cũng không ghét bỏ, không oán giận
những kẻ đã làm hại mình
Vì thế, “những ai tiêu diệt được tâm hận thù thì
người ấy được trí tuệ sáng suốt cho bản thân. Trong cuộc sống bạn không có tình
thương không thể nói chuyện với người khác được” [21]
Nhẫn nhục thể hiện tâm từ
Nhẫn người một chút chữ tu hiển bày
Nhẫn nhịn mới thấy điều hay
Nhẫn bạn ta có những ngày cảm thông (Trí
Giải)
Trong cuộc
sống chúng ta cần tu tập nuôi dưỡng tâm từ bi mới thực hành phương pháp tu nhẫn,
vì lòng từ bi sẽ giúp bạn sẽ gặt hái năm kết quả sau:
“(1) lòng từ
bi từ bỏ gây tổn thương đến người khác, (2) là hạt giống cho sự giác ngộ giải
thoát, (3) mang đến hạnh phúc đến cho tha nhân, và nhận khổ đau về cho mình
(tinh thần Bồ-tát đạo), (4) động cơ thúc đẩy cho hạnh nguyện, (5) mang lại đặc
tính từ bi cho riêng mình.” [22]
Bồ-tát luôn
lấy từ bi và trí tuệ làm sự nghiệp độ sinh, nhưng pháp tu nhẫn nhục rất quan
trọng vì sợ gây tổn hại đến chúng sinh, trong Kinh-phạm-vọng nói: “tất cả người nam là cha ta, tất cả người nữ mẹ ta, ta
đời đời thọ sinh ở nơi họ”. [23]
Khi quán chiếu
như thế tất cả kẻ oán người thân đều bình đẳng, Bồ-tát không có tâm phân biệt
những ai có duyên đều được cứu khổ ban vui cho họ, trong Kinh Đại- bảo-tích có
nói:
“Nhẫn nhục gốc thập lực
Chư Phật
thần thông nguyện
Trí vô
ngại đại bi
Đều lấy
nhẫn làm gốc
Tứ đế,
niệm, chánh cần
Căn, lực,
giác đạo phần
Đều lấy
nhẫn làm gốc
Người trí
nên tu nhẫn
Phật tại
ba la mật
Chuyển
pháp luân vô thượng
Cũng lấy
nhẫn làm gốc” [24]
6. Nhẫn nhục
một trong sáu pháp tu Ba-la-mật
Chúng ta là
hàng phàm phu trên bước đường tu tập, thực hành lục độ ba la mật bao gồm: Bố
thí, trì giới, tinh tấn, nhẫn nhục, thiền định và trí tuệ
Bố thí có hai,
vật chất và tinh thần, Bố thí vật chất được giàu sang, đó là làm việc lợi tha,
bố thí pháp dẫn dắt chúng sinh vào đạo tu hành quả được trí tuệ.
Do trì giới
thoát khỏi ba đường ác, được sinh vào cõi người hay cõi trời tôn quý. Do tu nhẫn
nhục nên ngăn được tâm nóng giận, thân tướng được trang nghiêm, oai đức đầy đủ,
không có hận thù ai nấy đều quý mến và kính phục và dễ dàng cảm hóa chúng
sinh.
Do tinh tấn
giúp cho hành giả đoạn trừ tâm giải đãi, để hoàn thành tâm nguyện về Bảo sở và
hoằng pháp độ sinh.
Do tu thiền
định tâm không còn não loạn, vọng tưởng, xa lìa các vui ngũ dục của thế gian,
thiền định giúp tâm bình tránh xa mọi xung đột, gây tổn hại đến người khác trong
cuộc sống.
Do tu thiền
định vọng tưởng, phiền não chấm dứt, trí tuệ bát nhã hiển bày để diệt trừ vô
minh, mây ta thì mặt trăng hiển bày chiếu sáng khắp thế gian.
7. Kết
luận:
Nói thì dễ lắm, nhưng khi chúng ta thực hành tu nhẫn nhục rất là
khó, hằng ngày chúng ta luôn ôm chấp cái ngã của mình, để rồi tham lam, ích kỷ,
giận hờn, ganh tỵ, lúc nào cũng cho mình hơn người, những thứ này như đao 刀 (phiền não) nằm trong tâm 心. Đây chính là
nguyên nhân ngăn cản chúng ta tu nhẫn nhục.
Từ trước đến nay chúng ta sống sai lầm tạo biết bao nhiêu thù hận,
sân si,...ngày hôm nay cố gắng tu thực hành thiền định, tụng kinh, niệm Phật để
tâm hồn thanh tịnh trí tuệ phát sinh, khi có trí tuệ bát-nhã rồi thì chúng ta sẽ
làm chủ 丶được con đao trong tâm, nghĩa là
không chấp 刃 (nhận) những thứ phiền não đó trong tâm, thì chỉ còn lại một chân
tâm thanh tịnh, 心 an lạc giải thoát. Tức là chữ nhẫn 忍-刃=心 (nhẫn không nhận
phiền não = chân tâm), thì chân tâm này là tâm Phật, tâm của Bồ-tát, tâm của bậc
Hiền trí.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét