Mỗi
một con người hiện hữu trên cõi đời này, ai cũng có cơ hội chung sống
với những người thân yêu của mình, hoặc tiếp xúc và làm việc chung trong
một cơ quan nào đó. Ta không thể sống tách rời mọi người xung quanh mà
tồn tại được, cho dù ta có đầy đủ tiện nghi vật chất đến mấy chăng nữa,
nhưng nếu thiếu vắng những người thân quen, đời sống sẽ trở nên trơ
trọi, khô khan và vô vị. Khát vọng lớn nhất
của con người là có được niềm an vui và hạnh phúc. Nhưng, để đáp ứng
nhu cầu đó thì khi chung sống với nhau, đòi hỏi chúng ta phải hiểu được
tính tình cũng như chấp nhận những yếu kém, vụng về của nhau mới có thể
đem lại niềm hạnh phúc cho cả hai phía. Tuy nhiên, chấp nhận và sống hòa
hợp bên nhau là cả một vấn đề rất lớn, mà mỗi người cần phải chiêm
nghiệm và thường trực nhìn lại chính mình để thấy ra được sự thật ấy.
Trong tâm thức của mỗi người có hai đức tính căn bản, đó là thiện và
bất thiện. Sở dĩ tính tình không được lương thiện là do tâm ý mê mờ và
lãng quên thực tại. Vì không rõ biết mình đang làm gì, nên nói năng và
hành động dễ dàng phạm phải sai lầm, tạo ra phiền não khổ đau cho bản
thân mình và gây tổn thương đến cho mọi người chung quanh. Mặt khác, khi
tâm ý bất tại thì việc hành xử với nhau sẽ thiếu vắng phong thái nhẹ
nhàng, thân thương và hòa nhã. Từ đó, làm mất đi sự truyền thông giữa
cha mẹ và con cái, giữa vợ đối với chồng, anh chị đối với người em, v.v…
Do đó, nếu tâm thức chưa được thắp sáng và ta không thấy rõ mọi hoạt
dụng của thân tâm mình như thế nào thì bản tính lương thiện, hiền hòa và
dễ mến trong ta không có cơ hội để biểu hiện. Và dĩ nhiên, đời sống sẽ
trở nên lẻ loi, buồn tẻ, vì ít ai dám đến gần để trao đổi, tâm tình.
Ngược lại, nếu biết vận dụng cái tâm chân thật, lương thiện để đối xử
với nhau, ta sẽ được nhiều người thương mến và quý trọng. Từ đó, tạo
niềm tin vững chắc cho mọi người tìm đến nương tựa, học hỏi cũng như
chia sẻ với nhau những kinh nghiệm thăng trầm trong cuộc sống!
Đức tính hiền thiện là cái đẹp đẽ, trong sáng và dễ thương nhất vốn sẵn
có nơi mỗi người. Ta chỉ cần lặng lẽ quan sát rõ ràng từng hoạt động của
thân tâm mình thì phẩm chất thanh lương và tinh túy kia sẽ hiện hữu.
Tâm lương thiện không chỉ là việc bố thí, giúp đỡ cho một ai đó qua cơn
đói nghèo túng thiếu mà mỗi hành động, lời nói và suy nghĩ phải luôn
luôn có sự định tĩnh và sáng suốt. Bởi vì, nếu tâm ý ta chưa thực sự yên
tịnh và không thấy rõ được sự vận hành tương giao từ bản thân mình và
cuộc đời này, thì mọi hành vi trong đời sống đều có thể bị lệ thuộc vào
“cái tôi”, và chỉ để phục vụ cho nó mà ta cứ ngỡ rằng, đó là hành động
của điều thiện. Đơn cử, khi ta giúp đỡ cho một người nào đó có công ăn
việc làm ổn định, nhưng họ không biết tri ân, ngợi khen mà còn biểu hiện
thái độ xem thường và cao ngạo thì lập tức cái tôi kia sẽ phát khởi sự
giận hờn, ghét bỏ hoặc trừng phạt đối tượng.
Ngược lại, người
phát huy được đức tính hiền thiện, trong sáng thật sự thì đời sống sẽ
trở nên nhẹ nhàng an vui, phước báu ngày càng tăng trưởng và thọ mạng
dài lâu. Mặt khác, người ấy có khả năng đóng góp những kinh nghiệm quý
giá làm lợi ích cho cuộc đời, và đồng thời họ biết cách để sống tốt với
những người chung quanh mà không gây ảnh hưởng gì xấu đến bất cứ một ai.
Còn đối với người tính tình nặng nề chấp thủ, vì tưởng rằng nhận thức
của mình đúng đắn rồi, nên không chịu mở lòng để tiếp xúc, học hỏi những
cái hay, cái đẹp cũng như sự trải nghiệm của người khác thì khi tiếp xử
với nhau trở nên khắt khe, cục bộ và hạn hẹp.
Chúng ta thừa
biết rằng, là một con người phàm phu thì ai cũng có những lầm lỡ, vụng
về và yếu kém. Trong tâm thức người anh, người chị của mình luôn luôn có
những đức tính dễ thương biết chăm chỉ học hành, siêng năng làm việc,
ân cần chăm sóc khi người thân bị bệnh hoạn, tính tình hiền hòa dễ chịu
và sẵn sàng tha thứ cho một ai đó phạm phải lỗi lầm. Tuy nhiên, người ấy
vẫn còn nhiều thói hư tật xấu khác chưa được chuyển hóa như là: đố kị,
dễ nổi giận, tự ti mặc cảm, thiếu sự định tĩnh, suy nghĩ bồng bột… Từ
những tiêu cực đó nên dẫn tới việc xung đột, bất hòa và cuối cùng đành
phải chia lìa tình nghĩa anh em, vợ chồng và bè bạn! Vậy thì, người kia
có những yếu kém và vụng về như thế, còn đối với bản thân mình chẳng lẽ
không có phần tiêu cực đó hay sao? Nếu như ta không biết chấp nhận và
tha thứ lầm lỡ cho người khác, làm sao người kia có thể chấp nhận phần
yếu kém và thô thiển ở nơi mình?
Trong quan hệ giao tiếp với bạn bè
hoặc người thân trong gia đình, có nhiều khi ta cũng giận hờn, bực bội
và nói ra những lời nặng nề, chua chát cơ mà! Không những chỉ sử dụng
bằng ngôn từ gay gắt, ta còn tỏ ra thái độ trách móc, sân hận qua ánh
mắt, dáng đi và mọi biểu hiện khác nữa. Những hành vi như thế, đều có
thể khiến cho người thân thương của mình chịu nhiều buồn tủi và đau khổ.
Đó là sự thật, mà bất cứ người nào nếu như tâm trí không được bình lặng
và trong sáng thì rất dễ dàng tạo ra hệ quả bất thiện.
Tuy
nhiên, tâm lý tiêu cực không hẳn là thứ nhất thiết phải loại bỏ, mà đôi
lúc nó rất cần để cho chúng ta biết trở về và chiêm nghiệm lại chính
mình. Bởi vì, thái độ bực bội và giận hờn của người kia sẽ giúp ta hiểu
rõ hơn về tính chất và tai hại của cơn giận. Từ đó, ta rút ra được bài
học thiết thực quý giá, giúp ta có nhiều kinh nghiệm hơn trong việc tháo
gỡ bế tắc giữa bản thân mình và người khác, tạo nên sự hanh thông tốt
đẹp và thăng hoa cuộc sống.
Thực ra, bạn không cần phải mong
cầu đời sống của mình cứ mãi êm đềm, suôn sẻ. Bởi vì, những chướng ngại
gian khó là điều kiện tất yếu để giúp cho bạn rèn luyện đức tính hy
sinh, sự kham nhẫn và lòng thương yêu được tăng trưởng. Và sự thật của
cuộc đời là như vậy, bạn không thể tìm ra ở một nơi nào đó mà không có
những khó khăn tiêu cực, trừ khi tâm hồn bạn hoàn toàn vắng bóng bản ngã
tham sân si.
Để thiết lập sự truyền thông, hầu mang lại nguồn
an vui giữa những người thân yêu trong gia đình và dễ dàng chấp nhận
thương mến nhau, việc trước tiên bạn phải thấu hiểu được chính bản thân
mình. Mỗi hành động, lời nói và cách suy nghĩ của bạn đều phải dựa trên
sự định tĩnh và sáng suốt. Tâm không bị vướng kẹt vào những điều lệ, quy
ước hoặc loại trừ, ghét bỏ bất cứ đối tượng nào, mà chỉ nhìn nhận bằng
thái độ khách quan và trung thực với chính nó, bạn sẽ thấy ra quá trình
diễn biến của thân tâm mình cũng như hoàn cảnh đương tại một cách rõ
ràng và tường tận. Lúc bấy giờ tâm bạn vượt thoát mọi hệ lụy khổ đau,
sống ung dung tự tại để làm lợi ích cho cuộc đời, đồng thời lối hành xử
của bạn đối với mọi người xung quanh sẽ toát lên sự nhẹ nhàng, thân
thương và êm đẹp!
Viên Ngộ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét